Giới thiệu

Ma Lé nằm trên con đường từ trung tâm huyện Đồng Văn đến với Cột Cờ Lũng Cú, làng cổ Ma Lé hiện lên là một bức tranh bình dị với những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam: đó là những ngôi nhà trình tường cổ, là hình ảnh những bức tường được xếp bằng đá đặc trưng của Hà Giang, là những rặng tre chạy dọc quanh đường làng, là nếp sống văn hóa của đồng bào người dân tộc Giáy nơi đây. 

Với lịch sử 300 năm hình thành và phát triển của làng cổ Má Lé như một minh chứng rằng người Giáy đã tồn tại lâu đời tại Hà Giang nói riêng và vùng Đông bắc nói chung. 

Khi đặt chân đến Ma Lé có thể thấy được đó là cổng chào đón khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm nơi đây, với những con đường làng quanh co, những bờ tường được xếp từ những viên đá mang dấu ấn đặc trưng của vùng núi Đông bắc. Ấn tượng đầu tiên của du khách khi đến làng Ma Lé chính là ngôi nhà cổ có tuổi đời 240 năm với kiến trúc đặc trưng của người Giáy, mái ngói âm dương cùng những kèo, cột thường làm bằng những cây gỗ Nghiến có tuổi đời lên đến hằng trăm năm trong khu rừng già nơi đây. Mỗi ngôi nhà cổ đều mang một phong cách riêng biệt của từng gia chủ hòa quyện với bản sắc văn hóa chung của cộng đồng người Giáy. Đó là những hoa văn trên những kèo cột thể hiện hiện sự giàu sang của từng gia chủ tại bản làng Ma Lé. Đến với Ma Lé quý khách sẽ thấy màu đỏ của những câu đối tại cửa chính các ngôi nhà người Giáy.  Câu đối đỏ thường được treo quanh năm tại các ngôi nhà của dân tộc người dân với mong ước bình an, may mắn, xua đuổi tà ma.

 

 

Về Trang phục của đồng bào người Giáy lại làng Ma Lé cũng mang dấu ấn riêng biệt. Với bộ trang phục của dân tộc Giáy ở làng Ma Lé là những nếp đặc sắc riêng, áo được may có 02 tà giống như áo dài tân thời (áo dài truyền thống) người Việt, có cài khuy từ cổ chéo xuống nách, có độ dài đến cổ chân, tay rộng, cổ tròn, may bằng vải đen hoặc vải xanh, hồng màu sặc sỡ. Phần eo thắt đai lưng bằng vải màu xanh hoặc màu đen khá chắc chắn, chiếc đai lưng này có tác dụng như bệ tì cho phần bụng. Đi cùng với bộ trang phục truyền thống nữ Giáy vấn tóc kiểu vành khuyên, choàng lên trên là chiếc khăn vuông sặc sỡ tương xứng với đôi giầy thêu thủ công bằng vải một cách rất cầu kỳ với những đường nét tinh tế.

Về ẩm thực: Trong ẩm thực của người Giáy ở làng Ma Lé có những điểm chung với văn hóa ẩm thực Hà Giang và cũng có những nét riêng biệt. Đó là những món ăn từ bình dân đến cầu kì, mang màu sắc riêng: Khẩu dù hay Khâu nhục (thịt ninh nhừ), xín thang (canh thịt băm), phù du (thịt rán ròn), xáo cù (xương giang)… Trong sinh hoạt hàng ngày có món tủng lầu (đỗ tương nhừ – như món tẩu xỉ của người Hoa), món măng chua, măng đắng nhồi thịt (từ măng tre), món láng tầu (từ măng mai), một món ăn phổ biến nữa là thịt treo gác bếp. Rượu gạo hay rượu ngô được nấu thủ công và sử dụng men lá (các loại lá thuốc, lá cây rừng tự nhiên làm thành quả men).

Bên cạnh về kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực thì làng Ma Lé còn mang trên mình một di tích khảo cổ học “Hóa thạch Tay cuộn” Ma Lé có giá trị về mặt lịch sử và cổ sinh học. Có khoảng thời gian tồn tại ngắn, cách ngày nay khoảng 400 triệu năm về trước, nằm ngay tả lụy dương mặt đất đường cột cờ quốc gia Lúng Cú kèm theo con suối nhỏ chảy siết đỏ xuống hang Tia Sáng. Chính vì vậy, trên logo Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, “Hoá thạch Tay Cuộn” Ma Lé chiếm một vị trí quan trọng, góp phần thể hiện các giá trị độc đáo trên Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.

Với điểm xuất phát là cư dân nông nghiệp trồng lúa nước lại sinh sống trên khu vực rừng núi nên tín ngưỡng của người Giáy gắn liền với tín ngưỡng thờ thần tự nhiên, thờ thần nông và thần rừng gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt từ lâu đời.

Các ngày lễ tết của người Giáy cũng tương tự các tộc người trong vùng. Có những ngày tết  như Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ… tuy nhiên người Giáy có lễ hội đặc biệt đó chính là lễ hội xuống đồng, trước khi lễ hội “Xuống đồng” diễn ra thì người dân tộc  Giáy sẽ không trồng trọt hay làm kinh tế… họ quan niệm rằng khi được “ Thần Nông” cho phép thì mùa màng mới bội thu. 

Ngoài ra, có một nghi thức quan trọng bậc nhất của người Giáy đó chính là lễ cúng “ thần Rừng”. Người Giáy quanh năm ở nơi núi rừng nên họ có sự tôn kính đối với “ Thần Rừng”. Sau khi lễ cúng Thần Rừng diễn ra thì người dân không được phép vào khu vực yên nghỉ của “thần” để chặt cây, hay săn bắn. Người Giáy quan niệm rằng “ thần Rừng” là vị thần chủ tối cao để bảo vệ dân làng khỏe mạnh và bình an…